Đối với các cá nhân đã chuyển đổi giới tính của bản thân, họ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, không chỉ đến từ xã hội mà còn từ những rào cản pháp lý. Do đó, quyền được thay đổi tên có thể được xem là sự công nhận của pháp luật dành cho họ, giúp cho các cá nhân ấy được sống đúng với giới tính thật của bản thân. Thông qua việc thay đổi họ, tên này, người chuyển giới có thể dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày, được tôn trọng và được công nhận là chính mình.
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Người chuyển giới có được quyền thay đổi tên không?
Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền chuyển đổi giới tính như sau:
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, tại Điều 28 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định về quyền được thay đổi tên của cá nhân, cụ thể:
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
…
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
Theo quy định của pháp luật dân sự, cá nhân sau khi chuyển giới hoàn toàn có quyền thay đổi tên và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên của họ. Như vậy, người chuyển giới có quyền được thay đổi tên, đồng thời họ cũng có nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Thẩm quyền thay đổi tên của người chuyển giới
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch được quy định tại Điều 27 và Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014, cụ thể như sau:
Điều 27. Thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Điều 46. Thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc
…
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền thay đổi tên của người chuyển giới là:
– Đối với người chuyển giới chưa đủ 14 tuổi: Ủy ban nhân cấp xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân.
– Đối với người chuyển giới từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước: Ủy ban nhân cấp huyện nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân.
Thủ tục đăng ký thay đổi tên của người chuyển giới
Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Hộ tịch năm 2014, thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật này.
Hồ sơ đăng ký thay đổi tên của người chuyển giới
- Mẫu tờ khai thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch (theo mẫu tại Phụ lục 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP);
- Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp thay đổi tên theo quy định pháp luật;
- Giấy khai sinh.
- Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Thủ tục đăng ký thay đổi tên của người chuyển giới
Bước 1. Nộp hồ sơ
Người chuyển giới có yêu cầu thay đổi tên chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hồ sơ nêu trên.
Phương thức nộp: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân có thẩm quyền.
Nơi nộp:
– Ủy ban nhân cấp xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân đối với người chuyển giới chưa đủ 14 tuổi.
– Ủy ban nhân cấp huyện nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân đối với người chuyển giới từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước.
Bước 2. Nhận kết quả
Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ hợp lệ. (Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc)
Nếu hồ sơ thay đổi tên của người chuyển giới là có cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật, Công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có).
Trường hợp đăng ký thay đổi họ, tên không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải thông báo bằng văn bản, kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Bài viết trên chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin cơ bản về những quy định của pháp luật liên quan đến quyền thay đổi tên của người chuyển giới mà Chúng tôi dành tới Quý khách hàng và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào.
Nếu còn vướng mắc hoặc cần tư vấn chuyên sâu hơn về vấn đề trên, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với BMG và Cộng sự để được hỗ trợ nhanh nhất.