Nhãn hiệu là một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác. Nhãn hiệu được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và các quy định quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, các hành vi xâm phạm nhãn hiệu vẫn xảy ra một cách tràn lan và gây thiệt hại cho các chủ sở hữu nhãn hiệu. Vậy những hành vi nào được coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu? Pháp luật quy định những gì về việc xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ?
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Quyền bảo hộ nhãn hiệu
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) quy định, nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện:
1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;
2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng.
Như vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu được gọi là “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu”. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. (Khoản 3 Điều 92, khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ)
Khi được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ có các quyền sau:
– Sử dụng, cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu của mình theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật này;
– Ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu của mình theo quy định tại Điều 125 của Luật này;
– Định đoạt nhãn hiệu của mình theo quy định tại Chương X của Luật này.
(Khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ)
Quy định pháp luật về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu khi có đủ các căn cứ sau đây:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Lưu ý: Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. (khoản 1 Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ)
Đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm có thể bị xử phạt về trách nhiệm hành chính, dân sự và hình sự theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm hành chính
Theo quy định tại Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ, Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP), các hình thức xử phạt hành chính đối với người vi phạm nhãn hiệu bao gồm:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền: Mức phạt tiền thấp nhất là 500.000 đồng và mức tối đa là 250.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, tại Điều này còn quy định hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 8 đến khoản 13 Điều này.
– Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 15 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm; hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 15 Điều này;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 12 Điều này;
d) Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 15 Điều này;
đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 13 Điều này.
Ngoài các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.
Trách nhiệm dân sự
Theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp sau đây đối với người có hành vi vi phạm:
– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
– Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
– Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
– Buộc bồi thường thiệt hại;
– Buộc tiêu huỷ, phân phối hoặc đưa vào lưu thông không nhằm mục đích thương mại (hàng hóa, nguyên vật liệu, phương tiện được sử dụng để sản xuất, kinh doanh hàng vi phạm) với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Trách nhiệm hình sự
Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi vi phạm nhãn hiệu được quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu
Hồ sơ chuẩn bị thực hiện thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu
– Bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc giấy tờ liên quan chứng minh quyền sở hữu/ quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu.
– Bản sao công chứng giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, hộ chiếu) với chủ sở hữu nhãn hiệu là cá nhân, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với chủ sở hữu là doanh nghiệp.
– Mẫu sản phẩm mang nhãn hiệu của cá nhân/doanh nghiệp.
– Mẫu sản phẩm của đối tượng vi phạm nhãn hiệu hoặc tài liệu liên quan chứng minh dấu hiệu vi phạm của đối tượng vi phạm.
– Thông tin của đối tượng vi phạm: tên doanh nghiệp, thông tin liên hệ, địa chỉ,…
– Thực hiện giám định nhãn hiệu để xác định chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm nhãn hiệu của đối tượng vi phạm.
– Giấy ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý thủ tục (nếu có).
Thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu
Bước 1. Giám định nhãn hiệu
– Thực hiện thủ tục Giám định nhãn hiệu tại Viện khoa học sở hữu trí tuệ.
– Tài liệu cần thiết cho việc giám định bao gồm:
+ Tờ khai theo mẫu;
+ Tài liệu chứng minh quyền của chủ thể quyền (bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu)
+ Tài liệu chứng minh hành vi xâm phạm của bên bị nghi ngờ (Mẫu vật hoặc ảnh chụp dấu hiệu vi phạm);
– Thời gian giám định nhãn hiệu thông thường là 22 ngày làm việc, hoặc giám định nhanh nhất là 03 ngày làm việc.
Bước 2. Cảnh báo vi phạm đối với bên vi phạm
Thực hiện cảnh báo, yêu cầu đối tượng vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm nhãn hiệu sau khi có kết quả Giám định nhãn hiệu.
Bước 3. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của đơn vị vi phạm bằng biện pháp hành chính
Bài viết trên chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin cơ bản về những quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ mà Chúng tôi dành tới Quý khách hàng và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào.
Nếu còn vướng mắc hoặc cần tư vấn chuyên sâu hơn về vấn đề trên, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với BMG và Cộng sự để được hỗ trợ nhanh nhất.