Quy định về bồi thường thiệt hại trong tranh chấp thương mại

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại nói chung và nguyên tắc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng nói riêng được ghi nhận tại Bộ luật dân sự 2015 và điều chỉnh chi tiết tại Luật Thương mại 2005. Theo đó, các bên tham gia hợp đồng dù có thoả thuận hay không thoả thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì chế định đó vẫn sẽ được phát sinh nếu thoả mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật. 

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 292 Luật Thương mại 2005 thì bồi thường thiệt hại được xác định là một trong những chế tài trong thương mại. Căn cứ để phát sinh bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Điều 303 của Luật Thương mại 2005 như sau:

  Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

  1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
  2. Có thiệt hại thực tế;
  3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Như vậy, có thể hiểu bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại sẽ phát sinh khi một bên trong quan hệ hợp đồng có hành vi vi phạm và vi phạm đó gây ra thiệt hại thực tế cho bên còn lại. Đồng thời, sau khi đã xác định được hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế, phải xác định giữa chúng có mối quan hệ nhân quả tức là hành vi đó phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại và kết quả thiệt hại xảy ra là tất yếu thì mới có căn cứ để xác định chế tài bồi thường thiệt hại.

Nghĩa vụ của bên yêu cầu bồi thường thiệt hại

Để được bồi thường thiệt hai, bên yêu cầu bồi thường bắt buộc phải có những nghĩa vụ như sau:

Thứ nhất, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải có trách nhiệm chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ sẽ được hưởng nếu như không có hành vi vi phạm ( Điều 304 Luật Thương mại 2005).

Thứ hai, Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được (Điều 305 Luật Thương mại 2005).

Song song với các nghĩa vụ trên thì, trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 306 Luật Thương mại 2005).

Các trường hợp miễn trách 

Mặc dù chế định bồi thường thiệt hại là một trong những chế tài trong thương mại. Tuy nhiên, sẽ có một số trường hợp được khoa học pháp lý trên thế giới trong đó có Việt Nam thừa nhận sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường, bao gồm: miễn trách nhiệm do thoả mà các bên đã thoả thuận; Xảy ra sự kiện bất khả kháng; Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng (Điều 294 Luật Thương mại 2005).

Để được miễn trách nhiệm thì bên vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh mình thuộc vào trường hợp nào trong các trường hợp vừa nêu trên. Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 295 Luật Thương mại 2005 bên vi phạm hợp đồng còn phải thực hiện thủ tục thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

Mối quan hệ giữa bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm 

Mục đích của chế tài vi phạm hợp đồng là để trừng phạt, tác động trực tiếp vào ý thức của chủ thể nhằm giáo dục ý thức tuân thủ theo pháp luật và hợp đồng, giảm thiểu khả năng vi phạm hợp đồng. Khác với phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại lại mang ý nghĩa nhằm bù đắp, khôi phục những khoản lợi vật chất mà đáng lẽ ra bên bị vi phạm sẽ nhận được nếu không có hành vi vi phạm.

Theo quy định tại Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 thì : “1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Từ đó có thể nhận định rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ mặc nhiên phát sinh khi có đủ các căn cứ theo Điều 303 Luật Thương Mại năm 2005 mà không cần có thỏa thuận áp dụng kèm theo thỏa thuận phạt vi phạm. Hay hiểu cách khác, bên bị vi phạm trong hợp đồng không cần phải dựa trên một thỏa thuận trước nào đó để có thể có được quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, để có quyền yêu cầu phạt vi phạm thì phải dựa trên thỏa thuận giữa các bên.

Nếu Quý khách hàng có vấn đề gì cần làm rõ hơn về vấn đề trên hay cần được tư vấn về pháp lý vui lòng liên hệ với BMG và Cộng sự để được hỗ trợ nhanh nhất.