Thông tư 09 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định các trường hợp phải báo cáo Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền khi thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Các trường hợp phải báo cáo Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền khi thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử quy định ở Thông tư 09/2023/TT-NHNN
Cụ thể, các trường hợp phải báo cáo Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền khi thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử bao gồm:
– Giao dịch chuyển tiền điện tử mà tất cả các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện từ cùng ở Việt Nam (chuyển tiền điện tử trong nước) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương;
– Giao dịch chuyển tiền điện tử mà có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử ở các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam (chuyển tiền điện tử quốc tế) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 1.000 đô la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
Các giao dịch chuyển tiền điện tử không phải báo cáo
Các giao dịch chuyển tiền điện tử không phải báo cáo bao gồm:
– Giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ.
– Giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.
Nội dung báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử
Nội dung báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử tối thiểu gồm các thông tin sau:
– Thông tin về tổ chức tài chính khởi tạo và thụ hưởng
– Thông tin về khách hàng là cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử
– Thông tin về khách hàng là tổ chức tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử
– Thông tin về giao dịch
– Thông tin khác theo yêu cầu của Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền để phục vụ công tác quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền trong từng thời kỳ.