Trong thời đại ngày nay, sự lan tỏa rộng rãi của công nghệ và mạng xã hội đã làm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng hình ảnh của cá nhân. Mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của mỗi người đều có thể được dễ dàng ghi lại và phổ biến, đôi khi không có sự đồng ý của chủ thể sở hữu hình ảnh. Hành vi sử dụng, lan truyền hình ảnh của cá nhân một cách trái phép trên mạng xã hội hiện nay xảy ra rất phổ biến với nhiều hình thức đa dạng. Quy định của pháp luật về bảo vệ quyền cá nhân đối với hình ảnh không chỉ giúp ngăn chặn việc sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân mà còn đảm bảo sự tôn trọng đối với phẩm giá và danh dự của mỗi người.
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, quyền của cá nhân đối với hình ảnh được quy định như sau:
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, pháp luật quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn liền với mỗi người được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Mỗi cá nhân có quyền quyết định về việc sử dụng hình ảnh của bản thân, cũng như việc cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Do đó, khi sử dụng hình ảnh của người khác cần phải có sự đồng ý của họ. Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích sinh lợi thì phải trả thù lao cho chủ nhân của hình ảnh theo quy định pháp luật.
Trường hợp được sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không cần xin phép
Như đã tìm hiểu ở trên, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Tuy nhiên nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân sẽ không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Các trường hợp này bao gồm:
– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Xử phạt khi quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị xâm phạm
Đối với hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”, cơ quan chức năng có thể xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi đó gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị sử dụng hình ảnh, các cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành vi này theo quy định của Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội làm nhục người khác. Đối với tội danh này, khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra
Bên cạnh đó, cá nhân bị xâm phạm quyền hình ảnh có thể yêu cầu người xâm phạm hình ảnh cá nhân của mình bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó:
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Biện pháp bảo vệ khi quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị xâm phạm
Khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi hình ảnh cá nhân của mình bị xâm phạm, có thể áp dụng các phương pháp để giải quyết như sau:
– Thứ nhất, yêu cầu Tòa án ra quyết định liên quan bao gồm buộc chủ thể vi phạm hoặc liên quan phải: thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh; bồi thường thiệt hại (nếu có);
– Thứ hai, áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
– Thứ ba, bên cạnh các phương pháp quy định tại điều luật trên, cá nhân khi bị xâm phạm quyền hình ảnh có thể tố cáo với cơ quan công an cấp xã nơi người xâm phạm cư trú.
Bài viết trên chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin cơ bản về việc Bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh mà Chúng tôi dành tới Quý khách hàng và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào.
Nếu còn vướng mắc hoặc cần tư vấn chuyên sâu hơn về vấn đề trên, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với BMG và Cộng sự để được hỗ trợ nhanh nhất.